(ĐTCK) Quý I/2018, Công ty cổ phần Công nghiệp – Dịch vụ – Thương mại Ngọc Nghĩa, hay còn được biết đến với tên gọi Nhựa Ngọc Nghĩa (NNG), ghi nhận lợi nhuận cao đột biến. Đây không chỉ là khoản lợi nhuận cao nhất theo quý từ trước đến nay của doanh nghiệp, mà còn cao hơn tổng lợi nhuận của NNG trong giai đoạn 2009 – 2017.
Lãi cao đột biến
Theo báo cáo tài chính quý I/2018 của NNG, Công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 348,9 tỷ đồng, giảm nhẹ 7% so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, do giá vốn hàng bán tăng mạnh nên lợi nhuận gộp còn 69 tỷ đồng, giảm tới 31%.
Đáng chú ý, trong kỳ, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp tăng vọt lên tới 743 tỷ đồng. Khoản lãi này vượt ngoài sức tưởng tượng của nhà đầu tư, bởi năm 2017, NNG báo lỗ tới 33,4 tỷ đồng. Thậm chí, lợi nhuận trong quý I/2018 cao hơn tổng lợi nhuận của doanh nghiệp trong giai đoạn 2009 – 2017.
Nguyên do của sự đột biến này đến từ doanh thu hoạt động tài chính trong quý đầu năm, khi Công ty ghi nhận một khoản 702,7 tỷ đồng. Đầu tư tài chính chưa bao giờ là thế mạnh của NNG. Khoản tiền đến từ hoạt động này ở những năm trước chỉ đóng góp một phần nhỏ và ít khi gánh đỡ được chi phí tài chính của doanh nghiệp. Vậy nhưng khoản doanh thu đột biến lại chưa được NNG lý giải một cách rõ ràng.
Theo đó, thuyết minh hạng mục doanh thu hoạt động tài chính khá ngắn gọn, cho biết doanh thu hoạt động tài chính quý I bao gồm 5,5 tỷ đồng lãi tiền gửi và cho vay, hơn 0,1 tỷ đồng từ lãi chênh lệch tỷ giá, còn lại hơn 697 tỷ đồng được đặt vào mục “Khác” và không có giải thích gì thêm.
Trong quý I vừa qua, NNG đã thực hiện chuyển nhượng công ty con là Công ty cổ phần Thực phẩm Hồng Phú. Tuy nhiên, toàn bộ 8,1 triệu cổ phần tại Hồng Phú được chuyển nhượng cho một cá nhân với tổng giá trị chỉ là 810 triệu đồng, tương ứng 100 đồng/cổ phần. Khoản tiền này sẽ được hạch toán trong hạng mục doanh thu tài chính, nhưng vẫn còn cách rất xa so với số tiền mà NNG nhận được.
Đến nay, Công ty vẫn chưa có giải trình kết quả kinh doanh quý I mặc dù lợi nhuận tăng đột biến, thậm chí còn cao hơn vốn chủ sở hữu. Cụ thể, nhờ khoản lãi này, tổng nguồn vốn của Nhựa Ngọc Nghĩa tăng lên 2.872 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu tăng gấp đôi, chiếm 1.376 tỷ đồng.
Cùng với đó, trên bảng cân đối kế toán, giá trị các khoản phải thu ngắn hạn cũng tăng vọt. Tại thời điểm 31/3/2018, các khoản phải thu ngắn hạn chiếm 1.412 tỷ đồng, tương đương tăng thêm 807 tỷ đồng trong vòng 3 tháng và chiếm 49% tổng tài sản doanh nghiệp.
Hạng mục này tăng chủ yếu do hơn 583 tỷ đồng được hạch toán thêm vào khoản phải thu về cho vay ngắn hạn. Khoản cho vay này hưởng lãi suất 6,8%/năm.
Trên báo cáo tài chính công ty mẹ, Nhựa Ngọc Nghĩa cũng hạch toán một khoản 563,3 tỷ đồng cho vay ngắn hạn các công ty con và 125,2 tỷ đồng lãi phải thu từ khoản cho các công ty con vay (chủ yếu là Hồng Phú) vào mục phải thu.
Dấu hỏi về tính minh bạch
Với những phân tích kể trên, dễ nhận thấy, những thắc mắc của nhà đầu tư về khoản lãi bất ngờ của Nhựa Ngọc Nghĩa đều dẫn tới cái tên Hồng Phú – thương vụ đáng chú ý nhất của doanh nghiệp trong 3 tháng đầu năm.
Công ty Hồng Phú được thành lập với chức năng sản xuất và kinh doanh các mặt hàng gia vị như nước mắm, nước tương, tương ớt…, với các thương hiệu Kabin, Thái Long. NNG từng đặt nhiều kỳ vọng vào sự ra đời của công ty này, thậm chí đặt kế hoạch tới năm 2015, Hồng Phú sẽ trở thành 1 trong 3 nhà cung cấp các sản phẩm nước chấm hàng đầu Việt Nam.
Tuy nhiên, kể từ khi thành lập đến nay, Hồng Phú không những chưa mang lại lợi nhuận cho cổ đông, mà còn ngày càng gây ảnh hưởng xấu đến tình hình tài chính của ngành kinh doanh cốt lõi.
Đáng chú ý, mặc dù đã chuyển nhượng cổ phần trong quý I, báo cáo tài chính công ty mẹ NNG cũng ghi nhận Hồng Phú không còn là công ty con, song tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018 sắp tới lại cho biết, Ban lãnh đạo Nhựa Ngọc Nghĩa sẽ trình đại hội xem xét và thông qua việc chuyển nhượng cổ phần Công ty Hồng Phú.
Điều kiện chuyển nhượng là nhà đầu tư mới phải cam kết trả phần nợ vay mà Công ty Hồng Phú nợ NNG và các công ty thành viên trong thời hạn 10 năm kể từ ngày nhận chuyển nhượng, thời gian ân hạn thanh toán nợ là 3 năm. Đồng thời, NNG và các công ty thành viên bảo lưu quyền mua lại cổ phần đã chuyển nhượng với giá chuyển nhượng trong thời gian Hồng Phú chưa hoàn thành hết nghĩa vụ thanh toán nợ.
Theo đó, phần nợ mà Hồng Phú vay NNG và các công ty thành viên chính là lý do dù Nhựa Ngọc Nghĩa bán doanh nghiệp với giá bèo nhưng lại thu về lợi nhuận lớn, nhờ khoản thu từ tiền cho Hồng Phú vay trong nhiều năm công ty thua lỗ.
Quanh vấn đề này, TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cho biết, điều này không trái với nguyên tắc hạch toán song việc bán và thu một số tiền rất lớn cần trình và được cổ đông thông qua trước đó. Xét về nguyên tắc quản trị, NNG có rủi ro cao thông qua khoản cho vay này, bởi nếu không thu lại được thì khoản lợi nhuận tạm hạch toán quý I xem như không còn, trong khi Công ty chưa trích lập dự phòng cho khoản phải thu trên.
Việc NNG không có bản thuyết minh rõ ràng, cũng như chưa có bản giải trình kết quả kinh doanh khiến nhà đầu tư phải đặt ra câu hỏi về tính minh bạch trong vấn đề này. Ông Hiển cũng cho rằng, việc ghi nhận một khoản thu và lợi nhuận gần gấp đôi vốn hóa của doanh nghiệp là rất bất thường và cần có giải trình. Tuy nhiên, sau thông tin lợi nhuận, cổ phiếu NNG của Nhựa Ngọc Nghĩa đã có 2 phiên tăng sát trần liên tiếp (14 – 15/5), thể hiện việc lướt sóng thiếu cơ sở của nhà đầu tư.
Vị chuyên gia này đánh giá, các cổ phiếu trên UPCoM được xem là dạng đầu tư có rủi ro cao hơn trên 2 sàn niêm yết HNX và HOSE. Các nhà đầu tư tham gia thị trường giao dịch này thường chấp nhận rủi ro để tìm kiếm lợi nhuận cao, sẵn sàng mua cổ phiếu của các công ty có báo cáo tài chính và kết quả kinh doanh chưa rõ ràng. Với NNG, theo ông Hiển, xét trên tiêu chuẩn đầu tư giá trị thì cổ phiếu này không hấp dẫn mà ẩn chứa khá nhiều rủi ro.
Tới phiên giao dịch ngày 16/5, cổ phiếu NNG đã bị nhuộm đỏ và giảm 5,4%, giao dịch ở mức 8.800 đồng/cổ phiếu.
Từ bỏ giấc mơ ngành thực phẩm
Thành lập năm 1993 với hoạt động sản xuất kinh doanh chính là bao bì nhựa cao cấp, chai nhựa PET dùng trong công nghệ thực phẩm, nước giải khát, tới năm 2009, NNG bước chân vào ngành thực phẩm và Hồng Phú là một trong 2 công ty thực phẩm đầu tiên được doanh nghiệp thành lập. Từ đó đến nay, ngành thực phẩm không mang lại lợi nhuận, kéo tụt hiệu quả kinh doanh của NNG.
Tới năm 2017, Nhựa Ngọc Nghĩa và các công ty con tiến hành thoái vốn khỏi ngành thịt, đầu năm 2018 thoái vốn khỏi ngành nước mắm, khiến số công ty con hiện tại của NNG chỉ còn 4 và tất cả đều hoạt động trong lĩnh vực bao bì cao cấp PET. Như vậy, sau gần 10 năm, Nhựa Ngọc Nghĩa đã chính thức từ bỏ giấc mơ ngành thực phẩm.
Năm 2018, Công ty đặt mục tiêu 1.617 tỷ đồng doanh thu thuần và 125 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Với định hướng tập trung vào lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, NNG sẽ đầu tư thêm hệ thống ép phôi và nắp cho ngành nhựa PET với tổng mức dự kiến 350 – 400 tỷ đồng và nhanh chóng đưa Công ty trở về mốc lợi nhuận như năm 2015.
Tại báo cáo thường niên 2017, NNG cho biết, hiện hoạt động kinh doanh của Công ty chỉ còn ngành bao bì PET với đà tăng trưởng ổn định nên giá cổ phiếu sẽ về đúng giá trị của doanh nghiệp. Dự đoán được diễn biến giá cổ phiếu có thể gây thiệt hại cho cổ đông sau khi NNG hoàn tất thu xếp vốn chỉ tập trung ngành PET, HĐQT Công ty sẽ trình Đại hội đồng cổ đông thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu quỹ.
Sau giai đoạn Red River Holding thoái vốn, NNG hiện đang nắm giữ hơn 4 triệu cổ phiếu quỹ. Dự kiến số cổ phiếu này sẽ được dùng để chia cổ tức cho toàn bộ cổ đông hiện hữu. Sổ cổ phần này tương đuơng 8,3% cổ phần đang lưu hành.
Minh Vui