(TCT online) – Những ngày gần đây, một số bài báo cho rằng, trong đề xuất giảm nhiều loại thuế để hỗ trợ DN và hộ, cá nhân kinh doanh vượt qua khó khăn lần này mà không giảm thuế TNCN từ tiền lương, tiền công là chưa phù hợp vì đây cũng là đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, PGS.TS Lê Xuân Trường, Trưởng khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính) cho rằng, so với mặt bằng thu nhập chung hiện nay ở Việt Nam, nếu giảm thuế TNCN cho những đối tượng này, tức là giảm thuế cho những người có thu nhập trung bình trở lên, không phải là những người có thu nhập thấp, không phải là những người rất khó khăn.
Trong đề xuất giảm thuế trị giá khoảng 20.000 tỷ đồng cho các DN và hộ, cá nhân kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã không đề cập đến việc giảm thuế TNCN từ tiền công, tiền lương. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Trước hết cần trả lời câu hỏi: việc giảm thuế TNCN đối với tiền công, tiền lương có thực sự đem lại lợi ích cho người lao động chịu tác động bởi Covid-19 nên giảm sút thu nhập hoặc không có thu nhập hay không. Theo pháp luật về thuế TNCN hiện hành, với mức giảm trừ bản thân người nộp thuế 11 triệu đồng/tháng, giảm trừ mỗi người phụ thuộc mà người nộp thuế có trách nhiệm nuôi dưỡng 4,4 triệu đồng/tháng, thì chỉ những người lao động có thu nhập vượt trên một ngưỡng thu nhập nào đó mới phải nộp thuế TNCN.
Chẳng hạn như, nếu người lao động không có người phụ thuộc, thì thu nhập trên 11 triệu đồng/tháng mới phải nộp thuế TNCN; còn nếu người lao động có một người phụ thuộc, thì thu nhập trên 15,4 triệu đồng/tháng mới phải nộp thuế TNCN.
Điều này có nghĩa là, nếu có chính sách giảm thuế TNCN đối với thu nhập từ tiền lương tiền công thì sẽ giảm thuế cho những người có thu nhập trên 11 triệu đồng/tháng hoặc 15,4 triệu đồng/tháng hoặc cao hơn tùy theo số người phụ thuộc được giảm trừ…
So với mặt bằng thu nhập chung hiện nay ở Việt Nam, nếu giảm thuế TNCN cho những đối tượng này, tức là giảm thuế cho những người có thu nhập trung bình trở lên, không phải là những người có thu nhập thấp, không phải là những người rất khó khăn. Điều này cho thấy, không cần chính sách giảm thuế TNCN đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công trong bối cảnh hiện nay.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến phản ánh, năm nay do ảnh hưởng của Covid-19 nên thu nhập của người lao động làm công ăn lương đã giảm rất nhiều so với năm ngoái. Nếu như năm ngoái, họ nhận khoảng 15-20 triệu đồng/tháng, thì năm nay chỉ còn khoảng 4- 5 triệu đồng/tháng, nhưng vẫn bị DN khấu trừ thuế TNCN. Lý do là DN căn cứ vào thu nhập năm trước để khấu trừ. Như vậy, rất thiệt thòi cho người lao động. Do đó, đây cũng là đối tượng cần được giảm thuế?
Theo Luật thuế TNCN và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, việc tạm khấu trừ thuế TNCN tính trên cơ sở thu nhập thực chi trả cho người lao động, chứ không phải tính trên thu nhập của năm trước. Do vậy, khi người lao động nhận thu nhập dưới ngưỡng giảm trừ gia cảnh thì không bị tạm khấu trừ thuế TNCN.
Như vậy, thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, thì khi thu nhập trả hàng tháng chưa đến ngưỡng nộp thuế thì không phải khấu trừ thuế. Nếu DN nào đó thực hiện như trên là sai luật. Và người lao động cần kiến nghị để người sử dụng lao động thực hiện đúng quy định pháp luật hoặc kiến nghị để cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ quyền lợi của mình.
Trường hợp đã khấu trừ và nộp ngân sách, nhưng khi quyết toán thuế năm số thuế đã khấu trừ lớn hơn số thuế phải nộp thì người người nộp thuế được hoàn thuế TNCN.
Như phân tích của ông, người lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 nên thu nhập rất thấp hoặc không có thu nhập thì chính sách giảm thuế TNCN không có ý nghĩa. Vậy, chúng ta đã có chính sách gì hỗ trợ cho những đối tượng này?
Theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ, thì người lao động không có thu nhập hoặc thu nhập rất thấp do dịch Covid-19 được nhận hỗ trợ bằng tiền từ 1.000.000 – 3.710.000 đồng/người tùy theo từng loại đối tượng. Ngoài ra, Chính phủ còn hỗ trợ bằng tiền thêm 1.000.000 đồng/người cho người bị ngừng việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động vì Covid-19 là phụ nữ mang thai, trẻ em phải điều trị Covid-19… Bên cạnh đó, các cá nhân, hộ gia đình còn được hỗ trợ giảm giá cước viễn thông và giảm tiền điện…
Vì vậy, tôi cho rằng, đây là những chính sách an sinh xã hội thiết thực với người lao động, thể hiện đúng tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau” mà Chính phủ đã công bố./.
Xin cảm ơn ông!
Thuý Nga (thực hiện)
Nguồn từ https://thuenhanuoc.vn/tapchi/chuyen-muc/thoi-su/tin-hot/giam-thue-cho-doi-tuong-bi-anh-huong-boi-dich-covid-19-vi-sao-khong-de-xuat-giam-thue-tncn-tu-tien-luong-tien-cong?fbclid=IwAR0MLAgxH53PHukJGbSpD5CKJoyOYbZvNggWtvq0eAndB-sX-Ip4O9t18q8