Tôi có một thắc mắc: Các khoản như lệ phí đăng lý xe, lệ phí trước bạ, phí đường bộ, bảo hiểm xe có được đưa vào nguyên giá tài sản cố định không? Mong được giải đáp thắc mắc!
Nguyên giá tài sản cố định là gì?
Theo khoản 5 Điều 2 Thông tư 45/2013/TT-BTC quy định về nguyên giá tài sản cố định như sau:
Nguyên giá tài sản cố định:
– Nguyên giá tài sản cố định hữu hình là toàn bộ các chi phí mà doanh nghiệp phải bỏ ra để có tài sản cố định hữu hình tính đến thời điểm đưa tài sản đó vào trạng thái sẵn sàng sử dụng.
– Nguyên giá tài sản cố định vô hình là toàn bộ các chi phí mà doanh nghiệp phải bỏ ra để có tài sản cố định vô hình tính đến thời điểm đưa tài sản đó vào sử dụng theo dự tính.
Các khoản như lệ phí đăng lý xe, lệ phí trước bạ, phí đường bộ, bảo hiểm xe có được đưa vào nguyên giá tài sản cố định?
Theo điểm a khoản 1 Điều 4 Thông tư 45/2013/TT-BTC quy định về xác định nguyên giá của tài sản cố định như sau:
Xác định nguyên giá của tài sản cố định:
1. Xác định nguyên giá tài sản cố định hữu hình:
a) TSCĐ hữu hình mua sắm:
Nguyên giá TSCĐ hữu hình mua sắm (kể cả mua mới và cũ): là giá mua thực tế phải trả cộng (+) các khoản thuế (không bao gồm các khoản thuế được hoàn lại), các chi phí liên quan trực tiếp phải chi ra tính đến thời điểm đưa tài sản cố định vào trạng thái sẵn sàng sử dụng như: lãi tiền vay phát sinh trong quá trình đầu tư mua sắm tài sản cố định; chi phí vận chuyển, bốc dỡ; chi phí nâng cấp; chi phí lắp đặt, chạy thử; lệ phí trước bạ và các chi phí liên quan trực tiếp khác.
Trường hợp TSCĐ hữu hình mua trả chậm, trả góp, nguyên giá TSCĐ là giá mua trả tiền ngay tại thời điểm mua cộng (+) các khoản thuế (không bao gồm các khoản thuế được hoàn lại), các chi phí liên quan trực tiếp phải chi ra tính đến thời điểm đưa TSCĐ vào trạng thái sẵn sàng sử dụng như: chi phí vận chuyển, bốc dỡ; chi phí nâng cấp; chi phí lắp đặt, chạy thử; lệ phí trước bạ (nếu có).
Trường hợp mua TSCĐ hữu hình là nhà cửa, vật kiến trúc gắn liền với quyền sử dụng đất thì giá trị quyền sử dụng đất phải xác định riêng và ghi nhận là TSCĐ vô hình nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều này, còn TSCĐ hữu hình là nhà cửa, vật kiến trúc thì nguyên giá là giá mua thực tế phải trả cộng (+) các khoản chi phí liên quan trực tiếp đến việc đưa TSCĐ hữu hình vào sử dụng.
Trường hợp sau khi mua TSCĐ hữu hình là nhà cửa, vật kiến trúc gắn liền với quyền sử dụng đất, doanh nghiệp dỡ bỏ hoặc huỷ bỏ để xây dựng mới thì giá trị quyền sử dụng đất phải xác định riêng và ghi nhận là TSCĐ vô hình nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều này; nguyên giá của TSCĐ xây dựng mới được xác định là giá quyết toán công trình đầu tư xây dựng theo quy định tại Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng hiện hành. Những tài sản dỡ bỏ hoặc huỷ bỏ được xử lý hạch toán theo quy định hiện hành đối với thanh lý tài sản cố định.
…
Theo đó, khi xác định nguyên giá tài sản cố định khi mua xe thì sẽ thực hiện như sau:
Giá mua thực tế phải trả cộng (+) các khoản thuế (không bao gồm thuế GTGT), các chi phí liên quan trực tiếp phải chi ra tính đến thời điểm đưa tài sản cố định vào trạng thái sẵn sàng sử dụng như:
– Lãi tiền vay phát sinh trong quá trình đầu tư mua sắm tài sản cố định;
– Chi phí vận chuyển, bốc dỡ; chi phí nâng cấp;
– Chi phí lắp đặt, chạy thử;
– Lệ phí trước bạ
– Các chi phí liên quan trực tiếp khác.
Ngoài ra, chi phí khác và chi phí phát sinh sau thời điểm đưa tài sản cố định vào sử dụng (như phí sử dụng đường bộ, phí bảo hiểm…) không được đưa vào nguyên giá của tài sản cố định, được tính vào chi phí theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008
Doanh nghiệp có được đưa vào nguyên giá tài sản cố định các khoản như lệ phí đăng lý xe, lệ phí trước bạ, phí đường bộ, bảo hiểm xe? (Hình từ Internet)
Những tài sản cố định nào không cần trích khấu hao?
Theo khoản 1 Điều 9 Thông tư 45/2013/TT-BTC được bổ sung bởi khoản 4 Điều 1 Thông tư 147/2016/TT-BTC quy định về nguyên tắc trích khấu hao tài sản cố định như sau:
Các loại tài sản cố định không cần phải trích khấu hao là:
– Tài sản cố định đã khấu hao hết giá trị nhưng vẫn đang sử dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
– Tài sản cố định khấu hao chưa hết bị mất.
– Tài sản cố định khác do doanh nghiệp quản lý mà không thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp (trừ Tài sản cố định thuê tài chính).
– Tài sản cố định không được quản lý, theo dõi, hạch toán trong sổ sách kế toán của doanh nghiệp.
– Tài sản cố định sử dụng trong các hoạt động phúc lợi phục vụ người lao động của doanh nghiệp (trừ các Tài sản cố định phục vụ cho người lao động làm việc tại doanh nghiệp như: nhà nghỉ giữa ca, nhà ăn giữa ca, nhà thay quần áo, nhà vệ sinh, bể chứa nước sạch, nhà để xe, phòng hoặc trạm y tế để khám chữa bệnh, xe đưa đón người lao động, cơ sở đào tạo, dạy nghề, nhà ở cho người lao động do doanh nghiệp đầu tư xây dựng).
– Tài sản cố định từ nguồn viện trợ không hoàn lại sau khi được cơ quan có thẩm quyền bàn giao cho doanh nghiệp để phục vụ công tác nghiên cứu khoa học.
– Tài sản cố định vô hình là quyền sử dụng đất lâu dài có thu tiền sử dụng đất hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất lâu dài hợp pháp.
– Các tài sản cố định loại 6 không phải trích khấu hao, chỉ mở sổ chi tiết theo dõi giá trị hao mòn hàng năm của từng tài sản và không được ghi giảm nguồn vốn hình thành tài sản.
Nguồn: Thư viện Pháp Luật