KPMG đã đưa ra ý kiến ngoại trừ liên quan đến việc Vietnam Airlines có trích lập chi phí phải trả lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái trị giá 420,6 tỷ, dựa trên những ước tính của ban giám đốc về sự suy giảm giá trị VND so với ngoại tệ đến cuối năm 2018 (cùng kỳ năm 2017 là 565,5 tỷ đồng).
Theo ghi nhận trong BCTC hợp nhất soát xét 6 tháng đầu năm 2018 của Vietnam Airlines (HVN), đơn vị kiếm toán KPMG đã đưa ra ý kiến ngoại trừ liên quan đến việc Vietnam Airlines có trích lập chi phí phải trả lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái trị giá 420,6 tỷ, dựa trên những ước tính của ban giám đốc về sự suy giảm giá trị VND so với ngoại tệ đến cuối năm 2018 (cùng kỳ năm 2017 là 565,5 tỷ đồng).
KPMG đưa ra ý kiến ngoại trừ về 420 tỷ đồng dự phòng lỗ tỷ giá của Vietnam Airlines
Theo KPMG, việc ghi nhận khoản trích trước này không phù hợp với các quy định về hạch toán chênh lệch tỷ giá của Chuẩn mực Kế toán Việt Nam số 10, cũng như Thông tư số 200/2014/TT-BTC. Bởi, việc trích trước này, tại ngày và cho kỳ 6 tháng kết thúc ngày 30/6/2018, chi phí phải trả và chi phí tài chính bị ghi nhận tăng 420,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp và lợi nhuận chưa phân phối bị ghi nhận giảm 336,5 tỷ đồng.
Giải trình điều này, Vietnam Airlines cho biết đã trích trước một khoản chi phí về lỗ chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại số dư cuối kỳ đối với các khoản nợ phải trả là 420,6 tỷ đồng, tương đương biến động suy giảm về tỷ giá VND hơn 2% dựa trên ước tính của ban giám đốc về sự suy giảm giá trị của VND so với các ngoại tệ mạnh (chủ yếu là USD).
Vietnam Airlines cho biết phương pháp này đã được Tổng Công ty thống kê qua nhiều năm và xét thấy là hợp lý, phù hợp giữa kết quả sản xuất kinh doanh bán niên và cả năm. Thực tế cho thấy các BCTC bán niên năm 2016 và 2017, Vietnam Airlines đã áp dụng phương pháp trích trước chênh lệch tỷ giá đánh giá số dư cuối kỳ và đã giải trình và công bố thông tin theo quy định.
Lợi nhuận sau kiểm toán tăng
Về Vietnam Airlines, lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2018 trên BCTC công ty mẹ và hợp nhất đều tăng so với cùng kỳ. Nguyên nhân cụ thể bao gồm:
(1) Tổng doanh thu và thu nhập khác của công ty mẹ tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu đóng góp từ doanh thu cung cấp dịch vụ (mức tăng 13,7%). Cùng với đó, doanh thu tài chính cũng tăng nhờ thu cổ tức, lợi nhuận từ các khoản đầu tư ra ngoài doanh nghiệp và thu lãi tiền gửi tăng.
(2) Doanh thu thuê chuyến tăng mạnh lên 415 tỷ đồng, tương đương 23,47% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù chi phí giá vốn tăng tương ứng với sản lượng tăng nhưng tốc độ tăng doanh thu cao hơn so với tốc độ tăng chi phí khiến lợi nhuận sau thuế tăng mạnh.
(3) Lợi nhuận sau thuế trên BCTC hợp nhất 6 tháng 2018 tăng ngoài đà tăng lợi nhuận công ty mẹ, còn đến từ việc lợi nhuận sau thuế TNDN của các công ty con như JPA, TCS, Nasco… cũng đồng thuận tăng.
Theo Cafef