Bà Lê Thị Tuyết Nhung, Phó cục trưởng Cục Quản lý và giám sát kế toán – kiểm toán (Bộ Tài chính) cho rằng cần sửa đổi, bổ sung chế tài xử lý đối với vi phạm về chất lượng kiểm toán cho phù hợp.
Thời gian gần đây, trên thị trường chứng khoán xảy ra tình trạng nhiều doanh nghiệp bỗng dưng đổ vỡ, dù trước đó báo cáo tài chính của doanh nghiệp với những số liệu lợi nhuận tích cực được kiểm toán chấp nhận toàn phần. Bà nghĩ sao về điều này?
Đây là vấn đề mà chúng tôi đang rất quan tâm. Là cơ quan quản lý nhà nước về kế toán, kiểm toán, chúng tôi đang nghiên cứu hoàn thiện hành lang pháp lý cũng như các giải pháp nhằm thúc đẩy tính tuân thủ các quy định, chuẩn mực nghề nghiệp, nâng cao tính minh bạch thông tin tài chính của doanh nghiệp.
Báo cáo kiểm toán là căn cứ quan trọng cho các quyết định đầu tư của nhà đầu tư. Pháp luật hiện hành quy định ra sao về trách nhiệm của kiểm toán viên với báo cáo kiểm toán, thưa bà?
Luật Kiểm toán độc lập đã có quy định rõ ràng về trách nhiệm của doanh nghiệp kiểm toán và kiểm toán viên.
Cụ thể, theo Điều 29, Luật Kiểm toán độc lập, doanh nghiệp kiểm toán phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước khách hàng về kết quả kiểm toán theo hợp đồng kiểm toán đã giao kết, đồng thời chịu trách nhiệm với người sử dụng kết quả kiểm toán khi người sử dụng kết quả kiểm toán có lợi ích liên quan trực tiếp đến kết quả kiểm toán của đơn vị được kiểm toán tại ngày ký báo cáo kiểm toán; có hiểu biết một cách hợp lý về báo cáo tài chính và cơ sở lập báo cáo tài chính là các chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán và các quy định khác của pháp luật có liên quan; đã sử dụng một cách thận trọng thông tin trên báo cáo tài chính đã kiểm toán.
Điều 18 của Luật cũng quy định, kiểm toán viên phải chịu trách nhiệm về báo cáo kiểm toán và hoạt động kiểm toán của mình. Nếu doanh nghiệp kiểm toán và kiểm toán viên có các hành vi vi phạm, gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự (Điều 60 – Luật kiểm toán độc lập).
Báo cáo kiểm toán ảnh hưởng đến quyết định của nhiều người sử dụng thông tin tài chính đã được kiểm toán. Không chỉ là câu chuyện quyết định mua vào, bán ra của nhà đầu tư cổ phiếu, mà đây còn là một căn cứ để ngân hàng xem xét giải ngân cho doanh nghiệp, đối tác ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ, hàng hóa…
Chính vì vậy, hoạt động trong lĩnh vực này luôn phải đảm bảo những yêu cầu chặt chẽ như người đại diện theo pháp luật, giám đốc/tổng giám đốc của doanh nghiệp kiểm toán phải là kiểm toán viên hành nghề, trên 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp kiểm toán phải được nắm giữ bởi ít nhất 2 kiểm toán viên hành nghề, toàn bộ kiểm toán viên hành nghề phải được cập nhật kiến thức hàng năm và có hẳn một bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp để hướng dẫn cho các kiểm toán viên có những ứng xử trong nghề nghiệp nhằm đảm bảo tính độc lập, khách quan.
Chỉ có các kiểm toán viên hành nghề mới được ký báo cáo kiểm toán. Đây cũng chính là những quy định nhằm gắn trách nhiệm của kiểm toán viên hành nghề với cuộc kiểm toán.
Có ý kiến đặt vấn đề, kiểm toán độc lập cũng là một ngành dịch vụ và doanh nghiệp kiểm toán chính là người trả tiền cho họ. Vì vậy, kiểm toán viên rất có thể thông đồng với doanh nghiệp làm sai báo cáo tài chính. Bà nghĩ sao về ý kiến này?
Ngành kiểm toán độc lập Việt Nam đã có lịch sử 27 năm phát triển và tôi cho rằng, đến nay, nhiều kiểm toán viên trên thị trường có chuyên môn tốt, có ý thức cao về chuẩn mực đạo đức trong hành nghề.
Tôi tin rằng, nhiều người sẽ không sẵn sàng làm sai để được hưởng lợi từ đơn vị được kiểm toán, vì những lợi ích mà họ được hưởng từ việc làm sai đó có đáng kể với trách nhiệm mà người ta sẽ phải gánh chịu hay không. Đó là sự tổn hại về uy tín nghề nghiệp với cá nhân và công ty của mình. Danh dự nghề nghiệp không cho phép họ làm điều đó.
Tất nhiên, về mặt quản lý, chúng tôi vẫn phải đặt bài toán có thể có tình trạng thông đồng giữa kiểm toán viên và doanh nghiệp được kiểm toán để đưa ra những giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng đó.
Khi thị trường có thông tin rằng, có thể có sai sót của kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán, cơ quan quản lý có ứng xử như thế nào, thưa bà?
Tùy từng trường hợp, cơ quan có trách nhiệm sẽ xem xét để tiến hành kiểm tra. Việc kiểm tra hiện nay được thực hiện theo quy định về kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán.
Về cơ quan thực hiện kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán, tham khảo thông lệ quốc tế, từ năm 2014, đã có sự thay đổi so với trước đây. Theo quy định hiện hành tại Thông tư 157/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) là cơ quan thực hiện kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán đối với các doanh nghiệp kiểm toán, kiểm toán viên hành nghề được chấp thuận kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán (trong đó có các công ty đại chúng và công ty niêm yết).
UBCK cũng là cơ quan có thẩm quyền chấp thuận hoặc không chấp thuận, đình chỉ hoặc hủy bỏ tư cách được chấp thuận đối với doanh nghiệp kiểm toán được cung cấp dịch vụ kiểm toán báo cáo tài chính cho các công ty này. Cục Quản lý và giám sát kế toán-kiểm toán chịu trách nhiệm thực hiện kiểm soát trực tiếp chất lượng kiểm toán các doanh nghiệp kiểm toán và kiểm toán viên trong diện còn lại.
Với những trường hợp hồ sơ kiểm toán có sai sót trên thị trường gần đây, UBCK đều vào cuộc kiểm tra và đã đình chỉ tư cách kiểm toán viên được chấp thuận với một số kiểm toán viên và cả doanh nghiệp kiểm toán. Từ phía Cục, chúng tôi đều có cử nhân sự phối hợp cùng UBCK trong công việc này.
Tại nhiều nước phát triển, khi phát hiện báo cáo kiểm toán có sai sót, kiểm toán viên, công ty kiểm toán bị xử phạt rất nặng với khoản tiền lên tới hàng triệu USD, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong khi ở Việt Nam, hình thức xử lý mới chỉ là đình chỉ hành nghề trong vòng 1 năm. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính có dự kiến sửa đổi các quy định, chế tài xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực kiểm toán theo hướng tăng tính răn đe?
Theo quy định của Luật Kiểm toán độc lập, chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực kiểm toán độc lập có các hình thức như cảnh cáo, phạt tiền, tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề, đình chỉ đăng ký hành nghề hoặc cấm tham gia hoạt động kiểm toán độc lập đối với kiểm toán viên; cảnh cáo, phạt tiền, tước quyền sử dụng hoặc thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán hoặc đình chỉ kinh doanh dịch vụ kiểm toán đối với doanh nghiệp kiểm toán.
Chế tài xử lý đối với từng hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán độc lập đã được quy định cụ thể trong Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán và kiểm toán độc lập (trước đây là Nghị định số 105/2013/NĐ-CP nay được thay thế bằng Nghị định 41/2018/NĐ-CP).
Riêng về chế tài xử lý vi phạm về chất lượng kiểm toán đối với doanh nghiệp kiểm toán cũng đã được quy định cụ thể tại Thông tư 157/2014/TT-BTC ngày 23/10/2014 của Bộ Tài chính. Theo đó, doanh nghiệp kiểm toán có sai phạm nghiêm trọng về chuyên môn hoặc vi phạm chuẩn mực nghề nghiệp sẽ bị đình chỉ kinh doanh dịch vụ kiểm toán.
Tuy nhiên, đối với kiểm toán viên có sai phạm về chất lượng dịch vụ kiểm toán thì sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính. Đây là vấn đề bất cập mà chúng tôi đang xem xét, rà soát để có những quy định sửa đổi, bổ sung Thông tư 157/2014 cho phù hợp. Nếu xử lý vi phạm về chất lượng kiểm toán theo quy định về xử lý vi phạm hành chính sẽ bị hạn chế do thời hiệu xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán độc lập chỉ là 1 năm (theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính), trong khi kết quả kiểm toán có thể ảnh hưởng sau nhiều năm.
Kinh nghiệm từ các nước phát triển cho thấy, họ xử lý rất nặng đối với doanh nghiệp kiểm toán và kiểm toán viên có vi phạm, số tiền phạt có thể lên tới hàng triệu USD. Nhiều trường hợp đơn vị được kiểm toán có gian lận về báo cáo tài chính, sau 7-8 năm điều tra, xem xét, kết luận thì cả đơn vị được kiểm toán, doanh nghiệp kiểm toán lẫn kiểm toán viên đều bị xử phạt.
Thiết nghĩ, để tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp kiểm toán cũng như của kiểm toán viên với cuộc kiểm toán, có lẽ cũng phải để họ gắn trách nhiệm có hạn định đủ dài với báo cáo kiểm toán. Bất cứ khi nào bị phát hiện sai phạm trong hạn định đó, họ đều phải chịu trách nhiệm, tất nhiên phải có cơ sở để kết luận lỗi đó thuộc về kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán.
Thực tế cho thấy, báo cáo tài chính sai có thể từ phía đơn vị được kiểm toán do họ lập ra các bộ hồ sơ chứng từ khống, nhưng hoàn thiện vì có sự thông đồng từ trên xuống dưới, thì kiểm toán viên không biết hết được. Nếu trong hồ sơ kiểm toán đã thể hiện được các bằng chứng đầy đủ và phù hợp cho các ý kiến kiểm toán theo đúng yêu cầu của chuẩn mực kiểm toán thì không thể đổ hết trách nhiệm cho kiểm toán viên.
Nói gì thì nói, muốn người ta tuân thủ thì chế tài cũng phải đủ sức răn đe. Chúng tôi đang có kế hoạch phối hợp với các hội nghề nghiệp kế toán, kiểm toán quốc tế như ACCA, ICAEW, CPA Australia nghiên cứu thêm kinh nghiệm của một số nước trong khu vực và trên thế giới xem họ có quy định ra sao với từng tình huống sai sót trong cung cấp dịch vụ kiểm toán độc lập để sửa đổi quy định của mình cho phù hợp.
Chúng tôi thực sự mong muốn có những buổi trao đổi, thảo luận với nhiều bên, bao gồm cả các chuyên gia pháp luật, các hiệp hội nghề nghiệp kế toán, kiểm toán, các hiệp hội bảo vệ các nhà đầu tư, các cơ quan quản lý và giám sát thị trường chứng khoán… để cùng xem xét, có ý kiến về các vấn đề tồn tại, bất cập liên quan đến chế tài xử lý các vi phạm về chất lượng kiểm toán, để việc xử lý vi phạm đảm bảo tuân thủ pháp luật, đủ sức răn đe và tiệm cận với thông lệ quốc tế.
Mới đây, Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán được chuyển đổi thành Cục Quản lý và giám sát kế toán-kiểm toán. Xin bà chia sẻ một số định hướng hoạt động của Cục trong tương lai?
Việc chuyển đổi mô hình từ một Vụ với nhiệm vụ chính là ban hành chế độ về kế toán, kiểm toán lên Cục trong lĩnh vực này là nhằm tăng cường chức năng kiểm tra và giám sát với lĩnh vực kế toán, kiểm toán bên cạnh chức năng ban hành chế độ.
Thực tế, hoạt động kiểm tra chất lượng dịch vụ kiểm toán được chúng tôi tiến hành định kỳ hàng năm, nhưng vẫn phải huy động thêm người từ các doanh nghiệp kiểm toán, việc chọn người tham gia vào các đoàn kiểm tra ở từng công ty theo quy định phải đảm bảo tính độc lập, khách quan.
Tuy nhiên, mong muốn của chúng tôi là có một đội ngũ nhân sự chuyên trách của Cục thực hiện công tác kiểm tra, giám sát để đảm bảo hoạt động thường xuyên, liên tục và có hiệu quả rõ rệt hơn. Vấn đề là làm sao thu hút được những nhân sự có trình độ chuyên môn tốt để làm nhiệm vụ đi kiểm tra, giám sát thường xuyên quanh năm thì mới đáp ứng được số lượng công ty kiểm toán cần kiểm tra. Tôi hy vọng, Cục sẽ có cơ chế đặc thù để thu hút được những chuyên gia như thế để đảm bảo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát.
Nói tóm lại, để nâng cao tính tuân thủ của các doanh nghiệp kiểm toán, các kiểm toán viên thì cần thiết phải có các giải pháp đồng bộ, bên cạnh việc kiện toàn đội ngũ kiểm tra, giám sát có năng lực, trình độ làm việc chuyên trách thì tần suất kiểm tra phải được tăng cường và chế tài xử phạt có đủ các mức độ từ cao đến thấp, từ hành chính đến hình sự để đảm bảo cho hoạt động này đi vào nền nếp hơn, đảm bảo tính hữu ích của nghề kiểm toán đối với cả nền kinh tế.
(Theo VACPA)