Sự chồng chéo giữa cơ quan kiểm toán và thanh tra làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, đơn vị là đối tượng được thanh tra, kiểm toán, từ đó tạo ra dư luận và thái độ thiếu thiện cảm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị nhất là cộng đồng doanh nghiệp đối với cơ quan Kiểm toán Nhà nước và cơ quan thanh tra.
Tham luận tại Hội thảo Rà soát, kiến nghị sửa đổi bổ sung Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015, TS Trần Đăng Vinh, Thanh tra viên chính, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính và Tổng hợp, Thanh tra Chính phủ thừa nhận, chồng chéo trong hoạt động kiểm toán, thanh tra là một vấn đề được các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và dư luận xã hội quan tâm.
Theo ông Vinh, sự chồng chéo trong hoạt động Kiểm toán Nhà nước và cơ quan thanh tra gây ra những tác động tiêu cực nhất định, trong đó, có thể thấy được là sự chồng chéo này đã làm lãng phí thời gian, kinh phí, nguồn lực của nhà nước phục vụ cho hoạt động kiểm toán, thanh tra.
Đồng thời, điều này cũng làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, đơn vị là đối tượng được thanh tra, kiểm toán, từ đó tạo ra dư luận và thái độ thiếu thiện cảm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị nhất là cộng đồng doanh nghiệp đối với cơ quan Kiểm toán Nhà nước và cơ quan thanh tra.
Hết tiếp thanh tra lại gặp kiểm toán
Chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán xảy ra ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, nhất là chồng chéo của Kiểm toán Nhà nước với cơ quan Thanh tra ngành Tài chính.
Ông Vinh cũng dẫn một loạt ví dụ về sự chồng chéo giữa hai cơ quan này. Theo báo cáo của Thanh tra tỉnh Lai Châu, từ 2011-2015 có 4 cuộc thanh tra (Sở Tài chính 2 cuộc và Sở Xây dựng 2 cuộc) trùng với Kiểm toán Nhà nước về nội dung và đối tượng, nên đã điều chỉnh huỷ 3 cuộc thanh tra, chuyển sang năm sau 1 cuộc.
Theo báo cáo của Thanh tra tỉnh Bắc Giang, trong năm 2015 có 2 dự án chồng chéo trong kế hoạch thanh tra, kiểm toán, gồm: Dự án xây dựng Hội trường đa năng (Trung tâm Hội nghị tỉnh) và dự án đầu tư, mở rộng, nâng cấp Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh Bắc Giang, nhưng Thanh tra tỉnh báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh dừng thanh tra (đối với cuộc thanh tra đã có quyết định) hoặc không thanh tra (đối với cuộc thanh tra chưa triển khai).
Hay theo báo cáo của Thanh tra Bộ Tài chính, mặc dù đã phối hợp chặt chẽ với Kiểm toán Nhà nước khi xây dựng kế hoạch thanh tra và cơ bản khắc phục được tình trạng chồng chéo, tuy nhiên, quá trình thực hiện kế hoạch thanh tra phát sinh chồng chéo về đối tượng với một số chuyên đề của Kiểm toán Nhà nước.
Cùng với đó, còn xảy ra tình trạng, có những đơn vị, dự án, cơ quan thanh tra đã có kết luận thanh tra nhưng Kiểm toán Nhà nước vẫn tiến hành kiểm toán và ngược lại có những đơn vị, dự án, đã có báo cáo liên quan kiểm toán nhưng cơ quan thanh tra vẫn tiến hành thanh tra; cùng một sự việc nhưng có nhiều cơ quan thanh tra, kiểm toán kết luận, đánh giá.
Ngoài ra, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ cũng dẫn trường hợp trong lĩnh vực ngân hàng để xảy ra sự chồng chéo giữa hai cơ quan thanh tra, kiểm toán.
Như trong năm 2015, Cơ quan Thanh tra, giám sát Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước xây dựng kế hoạch tiến hành thanh tra hệ thống kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ theo Thông tư 44/2011/TT-NHNN, việc phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro; việc chấp hành pháp luật về tiền tệ, hoạt động VDB; thanh tra pháp nhân đối với BIDV, Vietinbank.
Trong khi đó, Kiểm toán Nhà nước kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước năm 2014; Kiểm toán các chuyên đề thực hiện Đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015 tại VDB, Vietinbank, BIDV; kiểm toán báo cáo tài chính Công ty CP chứng khoán BIDV, Tổng công ty Bảo hiểm BIC; Công ty cho thuê tài chính MTV BIDV.
Bên cạnh đó, hoạt động thanh tra, kiểm toán đối với việc tái cấu trúc, xử lý nợ xấu của các tổ chức tài chính và ngân hàng thương mại cũng được đưa vào kế hoạch, nên vẫn có sự chồng chéo trong 2 hoạt động này.
Cần sự phân định rõ ràng
Ông Vinh cho rằng, để khắc phục chồng chéo trong hoạt động giữa Kiểm toán Nhà nước và cơ quan thanh tra cần có sự phân phân định rõ ràng, rành mạch về chức năng, nhiệm vụ của Kiểm toán Nhà nước và cơ quan thanh tra.
Theo đó, những chức năng, nhiệm vụ của Kiểm toán Nhà nước và cơ quan thanh tra cần có sự nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp, theo đó, Kiểm toán Nhà nước tập trung và tăng cường chức năng kiểm toán báo cáo tài chính để kịp thời phục vụ công tác phân bổ, quyết toán và đánh giá hiệu quả trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước…
Những chức năng, nhiệm vụ của cơ quan thanh tra mà giống với các chức năng, nhiệm vụ kiểm toán báo cáo tài chính của Kiểm toán Nhà nước cần nghiên cứu điều chỉnh để Kiểm toán Nhà nước thực hiện. Về lâu dài cần nghiên cứu thêm kinh nghiệm quốc tế để xây dựng mô hình kiểm toán, thanh tra cho phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.