Theo quy định hiện hành, người nộp thuế cần phải thực hiện kê khai các loại thuế theo tháng, quý, năm hoặc theo từng lần phát sinh tùy từng trường hợp. Vậy các loại thuế nào phải kê khai theo tháng?
1. Tổng hợp các loại thuế kê khai theo tháng hiện nay
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP, các loại thuế kê khai theo tháng hiện nay gồm có các loại sau:
– Thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng. Trong trường hợp người nộp thuế đáp ứng được các tiêu chí khai thuế theo quý được nêu tại Điều 9 Nghị định 126/2020/NĐ-CP thì được phép lựa chọn hình thức kê khai theo quý hoặc theo tháng.
– Thuế bảo vệ môi trường.
– Thuế tiêu thụ đặc biệt.
– Thuế tài nguyên, trừ thuế tài nguyên được quy định tại điểm e khoản 1 Điều 8 của Nghị định 126/2020/NĐ-CP.
– Các khoản phí và lệ phí thuộc ngân sách sách nhà nước (trừ các khoản phí và lệ phí do cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài tiến hành thu theo quy định tại Điều 12 Nghị định 126/2020/NĐ-CP; phí hải quan và các khoản lệ phí của hàng hoá, hành lý và phương tiện vận tải quá cảnh.
– Đối với các hoạt động về khai thác và xuất bán khí thiên nhiên, phải kê khai theo tháng đối với:
+) Thuế thu nhập doanh nghiệp.
+) Thuế tài nguyên.
+) Thuế đặc biệt của Liên doanh Việt – Nga “Vietsovpetro” ở Lô 09.1 theo Hiệp định được ký kết giữa Chính phủ của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam với Chính phủ của Liên bang Nga ký ngày 27/12/2010 về tiếp tục việc hợp tác trong lĩnh vực thăm dò địa chất và khai thác dầu khí tại thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong khuôn khổ Liên doanh Việt – Nga.
+) Tiền lãi khí nước mà chủ nhà được chia.
2. Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế theo tháng là khi nào?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 44 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với các loại thuế thực hiện kê khai và nộp theo tháng được quy định cụ thể như sau:
Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế theo tháng là: Chậm nhất là vào ngày thứ 20 của tháng tiếp theo tháng có phát sinh nghĩa vụ thuế.
Do đó, người nộp thuế cần phải thực hiện kê khai và nộp thuế chậm nhất vào ngày thứ 20 của tháng tiếp theo của tháng có phát sinh nghĩa vụ thuế.
3. Thuế TNCN còn được kê khai theo hình thức nào?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP, thuế thu nhập cá nhân được thực hiện kê khai theo tháng. Tuy nhiên, trừ trường hợp quy định tại Điều 9 Nghị định 126/2020/NĐ-CP nếu đáp ứng được các tiêu chí được quy định tại điều khoản này thì người nộp thuế được phép lựa chọn hình thức kê khai theo tháng hoặc theo quý.
Như vậy, thông thường, người nộp thuế phải thực hiện kê khai thuế thu nhập cá nhân hàng tháng. Chỉ trừ một số trường hợp nếu đã đáp ứng các tiêu chỉ theo quy định tại Điều 9 Nghị định 126/2020/NĐ-CP thì người nộp thuế có thể chọn khai thuế theo quý.
Ngoài ra, theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP, người nộp thuế vẫn phải thực hiện khai thuế thu nhập cá nhân hàng quý nếu thuộc một trong các trường hợp được nêu dưới đây:
– Thuế thu nhập cá nhân đối với các tổ chức tín dụng hoặc bên thứ ba được tổ chức tín dụng ủy quyền để khai thác tài sản bảo đảm trong thời gian chờ xử lý mà kê khai thay cho người nộp thuế có tài sản bảo đảm.
– Thuế thu nhập cá nhân đối với các tổ chức và cá nhân chi trả thu nhập thuộc diện được khấu trừ thuế theo quy định pháp luật về thuế thu nhập cá nhân, mà tổ chức hay cá nhân trả thu nhập đó thuộc diện được phép khai thuế giá trị gia tăng theo quý và lựa chọn hình thức khai thuế thu nhập cá nhân theo quý.
– Cá nhân có thu nhập từ các nguồn: tiền lương và tiền công trực tiếp kê khai thuế với cơ quan thuế và đồng thời lựa chọn hình thức khai thuế theo quý.
Ngoài ra, bên cạnh việc khai thuế thu nhập cá nhân theo tháng/theo quý, thuế thu nhập cá nhân còn có thể được kê khai theo năm hoặc theo từng lần phát sinh.
4. Làm báo cáo thuế theo tháng cần lưu ý gì?
Để đảm bảo báo cáo thuế của người nộp thuế được rõ ràng, chi tiết, cần phải lưu ý các nội dung sau đây khi làm báo cáo, cụ thể như sau:
– Cần sắp xếp lần lượt hoá đơn được bán ra theo thứ tự ngày tháng.
– Phân biệt rõ giữa hàng hoá, nguyên vật liệu, tài sản hay công cụ trong quá trình nhập vào phần mềm kế toán.
– Chuẩn bị bản sao hoá đơn để phòng trường hợp bị mất không thể đối chứng hoá đơn.
– Thực hiện việc kê khai và hạch toán hàng tháng trên phần mềm kế toán, đồng thời cần tiến hành kiểm tra và chỉnh sửa các sai sót trước khi xuất dữ liệu.
– Kiểm tra và xử lý các vấn đề phát sinh của bảng cân đối kế toán.
– Quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp trước để có thể so sánh với số thuế thu nhập doanh nghiệp có chênh lệch.
Nguồn: LuatVietnam