Chính sách thuế, kế toán – kiểm toán có hiệu lực tháng 4/2022

1. Từ 01/4/2022 giảm thuế bảo vệ môi trường 2.000 đồng/lít xăng

Theo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn như sau: xăng giảm 2.000 đồng/lít, từ 4.000 đồng/lít xuống 2.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn giảm 1.000 đồng/lít, từ 2.000 đồng/lít xuống 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn giảm 1.000 đồng/kg, từ 2.000 đồng/kg xuống 1.000 đồng/kg; dầu hỏa giảm 700 đồng/lít, từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít. Với nhiên liệu bay giữ như mức hiện hành đang được giảm là 1.500 đồng/lít.

Mức điều chỉnh áp dụng từ 1/4/2022 đến 31/12/2022.

Từ ngày 1-1-2023, mức thuế này sẽ thực hiện theo quy định hiện hành tại Nghị quyết 579/2018/UBTVQH14.

Hình ảnh này chưa có thuộc tính alt; tên tệp của nó là 0.-chinh-sach-thue.png
Chính sách thuế, kế toán – kiểm toán có hiệu lực tháng 4/2022 (Ảnh minh họa)

2. Áp dụng thuế suất ưu đãi với 300.000 tấn gạo nhập khẩu từ Cam-pu-chia

Đây là nội dung được đề cập tại Thông tư 06/2022/TT-BCT quy định việc nhập khẩu mặt hàng gạo và lá thuốc lá khô có xuất xứ từ Vương quốc Campuchia theo hạn ngạch thuế quan năm 2021 và năm 2022.

Theo đó, tổng lượng hạn ngạch năm 2022 đối với mặt hàng gạo là 300.000 tấn, nếu là thóc thì tỷ lệ quy đổi là 2kg thóc = 1kg gạo; số lượng của năm 2021 cũng là 300.000 tấn. Đối với mặt hàng lá thuốc lá khô là 3.000 tấn mỗi năm.

Điều kiện để được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt

– Hàng hóa nhập khẩu phải có Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu S (C/O form S) do Bộ Thương mại Vương quốc Campuchia hoặc cơ quan được ủy quyền cấp theo quy định của phía Campuchia và làm thủ tục hải quan nhập khẩu tại các cặp cửa khẩu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 06/2022/TT-BCT.

– Riêng đối với mặt hàng lá thuốc lá khô, thương nhân nhập khẩu phải có Giấy phép nhập khẩu thuốc lá nguyên liệu theo hạn ngạch thuế quan do Bộ Công Thương cấp theo quy định tại Nghị định 69/2018/NĐ-CP và Thông tư 12/2018/TT-BCT; số lượng nhập khẩu được trừ vào hạn ngạch thuế quan nhập khẩu theo giấy phép do Bộ Công Thương cấp.

Thông tư 06/2022/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 15/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022.

3. Sửa quy định về kiểm toán độc lập đối với tổ chức tín dụng

Thông tư 24/2021/TT-NHNN đã sửa đổi một số quy định về kiểm toán độc lập đối với tổ chức tín dụng tại Thông tư 39/2011/TT-NHNN, cụ thể:

– Sửa đổi điều kiện đối với tổ chức kiểm toán độc lập thực hiện kiểm toán tổ chức tài chính vi mô, quỹ tín dụng nhân dân như sau:

+ Các kiểm toán viên hành nghề và người đại diện tổ chức kiểm toán độc lập tham gia kiểm toán tổ chức tài chính vi mô, quỹ tín dụng nhân dân phải có đủ các tiêu chuẩn nêu tại Điều 13 Thông tư 39/2011/TT-NHNN;

+ Tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên hành nghề thực hiện kiểm toán tổ chức tài chính vi mô, quỹ tín dụng nhân dân thuộc danh sách tổ chức kiểm toán và danh sách kiểm toán viên hành nghề được chấp thuận thực hiện kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng theo công bố của Bộ Tài chính cho giai đoạn thực hiện kiểm toán. (Nội dung được sửa đổi)

+ Không kiểm toán độc lập chính tổ chức tài chính vi mô, quỹ tín dụng nhân dân đó trong thời gian 05 năm liên tiếp liền kề trước năm kiểm toán. (Nội dung bổ sung)

+ Không thuộc những trường hợp không được kiểm toán theo quy định tại Điều 30 Luật Kiểm toán độc lập;

+ Đáp ứng các quy định khác về kiểm toán độc lập quy định tại các văn bản hướng dẫn Luật Kiểm toán độc lập.

– Bổ sung quy định về nội dung kiểm toán độc lập sau:

Kiểm toán hoạt động đối với hệ thống kiểm soát nội bộ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều 8 Thông tư 39/2011/TT-NHNN  nhằm bảo đảm các yêu cầu sau đây:

+ Hiệu quả và an toàn trong hoạt động; bảo vệ, quản lý, sử dụng an toàn, hiệu quả tài sản và các nguồn lực;

+ Hệ thống thông tin tài chính và thông tin quản lý trung thực, hợp lý, đầy đủ và kịp thời.

Thông tư 24/2021/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 15/4/2022.

4. Sửa đổi số điều của Hệ thống tài khoản kế toán các tổ chức tín dụng

Thông tư 27/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Hệ thống tài khoản kế toán các tổ chức tín dụng ban hành kèm theo Quyết định 479/2004/QĐ-NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 10/2014/TT-NHNNThông tư 49/2014/TT-NHNNThông tư 22/2017/TT-NHNN), cụ thể như sau:

Mục II- Hệ thống tài khoản kế toán các tổ chức tín dụng (đã được sửa đổi, bổ sung) được sửa đổi, bổ sung như sau:

– Bổ sung tài khoản cấp III “1391- Dự phòng cụ thể” và “1392- Dự phòng chung” thuộc tài khoản 139- Dự phòng rủi ro;

– Sửa tên tài khoản cấp II “387- Tài sản thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm đã chuyển quyền sở hữu cho tổ chức tín dụng chờ xử lý” thành “387- Tài sản bảo đảm nhận thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm đã chuyển quyền sở hữu cho tổ chức tín dụng chờ xử lý”;

– Bổ sung tài khoản cấp III “3948- Lãi phải thu từ các hoạt động cấp tín dụng khác” thuộc tài khoản 394- Lãi phải thu từ hoạt động tín dụng;

– Sửa tên tài khoản cấp III “4032- Vay chiết khấu, tái chiết khấu các giấy tờ có giá” thành “4032- Vay chiết khấu các giấy tờ có giá”;

– Sửa tên tài khoản cấp III “4033- Vay cầm cố các giấy tờ có giá” thành “4033- Vay có bảo đảm bằng cầm cố giấy tờ có giá”;

– Sửa tên tài khoản cấp III “4035- Vay hỗ trợ đặc biệt” thành “4035- Vay đặc biệt”;

– Bổ sung tài khoản cấp II “405- Giao dịch bán và mua lại trái phiếu Chính phủ với Kho bạc Nhà nước” thuộc tài khoản 40- Các khoản Nợ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước;

– Bổ sung tài khoản cấp II “495- Lãi phải trả cho hoạt động nhận cấp tín dụng khác” thuộc tài khoản 49- Lãi và phí phải trả;

– Bổ sung tài khoản cấp III “4951- Lãi phải trả cho khoản nhận cấp tín dụng khác bằng đồng Việt Nam” và “4952- Lãi phải trả cho khoản nhận cấp tín dụng khác bằng ngoại tệ” thuộc tài khoản 495- Lãi phải trả cho hoạt động nhận cấp tín dụng khác;

– Bổ sung tài khoản cấp II “953- Giá trị tài sản cho thuê tài chính theo thời gian sử dụng” thuộc tài khoản 95- Tài sản dùng để cho thuê tài chính;

– Sửa tên tài khoản cấp II “994- Tài sản, giấy tờ có giá của khách hàng đưa thế chấp, cầm cố” thành “994- Tài sản, giấy tờ có giá của khách hàng đưa thế chấp, cầm cố và chiết khấu, tái chiết khấu”;

– Sửa tên tài khoản cấp II “995- Tài sản gán, xiết nợ chờ xử lý” thành “995-Tài sản bảo đảm nhận thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm chờ xử lý.

Thông tư 27/2021/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 01/4/2022.

Diễm My/thuvienphapluat.vn

Trả lời