(TBTCVN) – Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 67/2021/NĐ- CP ngày 15/7/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 167/2017/NĐ- CP quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công.
Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông La Văn Thịnh – Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết, những nội dung sửa đổi, bổ sung quy định tại Nghị định 67 sẽ tạo cơ sở pháp lý quan trọng để kịp thời giải quyết nhiều vấn đề thực tiễn đang đặt ra đối với công tác sắp xếp lại, xử lý nhà, đất trong thời gian qua.
PV: Trước tiên, xin ông cho biết những sửa đổi, bổ sung chính trong Nghị định 67/2021/NĐ- CP ngày 15/7/2021 (NĐ67) của Chính phủ?
Ông La Văn Thịnh: Bám sát yêu cầu phát sinh từ thực tế, trên cơ sở rà soát, đối chiếu quy định của pháp luật có liên quan đến việc thực hiện, sắp xếp lại, xử lý nhà đất, nhiều nội dung đã được sửa đổi, bổ sung hoàn thiện quy định rõ tại NĐ 67. Có thể khái quát gọn thành 6 nội dung chính sau:
Một là, về phạm vi nhà, đất phải thực hiện sắp xếp lại, xử lý, NĐ67 đã quy định rõ nhóm nhà, đất nào phải thực hiện sắp xếp lại, xử lý; nhóm nhà, đất nào không phải thực hiện do đã được điều chỉnh cụ thể tại các văn bản pháp luật khác như Luật Đất đai, Luật Nhà ở …
Hai là, về đối tượng, NĐ67 đã quy định rõ hơn. Theo đó, các doanh nghiệp (DN) cấp I, cấp II, cấp III đều phải thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà đất. Quy định này, một mặt thống nhất với Luật Doanh nghiệp năm 2020; mặt khác để phù hợp với thực tế hiện nay vì các đối tượng này đang quản lý, sử dụng rất nhiều nhà, đất cần thiết phải thực hiện để bảo đảm sử dụng nhà, đất tiết kiệm, hiệu quả, hạn chế thất thoát.
Ba là, bổ sung thêm nguyên tắc quản lý đối với số tiền do các tổ chức, cá nhân hỗ trợ (ngoài số tiền bán tài sản trên đất, tiền chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất, số tiền bồi thường, hỗ trợ được xác định theo đúng quy định của pháp luật) cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị, DN đang trực tiếp quản lý, sử dụng nhà, đất. Do đây là nội dung đã phát sinh trong thực tế thời gian qua và pháp luật chưa có quy định cụ thể.
Bốn là, sửa đổi, bổ sung quy định phân cấp mạnh hơn thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất cho bộ, cơ quan trung ương phê duyệt phương án đối với nhà, đất do DN cấp II, cấp III thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan trung ương. Bộ Tài chính chỉ phê duyệt phương án đối với nhà, đất do cơ quan, tổ chức, đơn vị và DN cấp I thuộc trung ương quản lý. Quy định này nhằm tăng cường trách nhiệm của bộ, cơ quan trung ương; đồng thời để cải cách, rút ngắn thời gian và đẩy nhanh thực hiện tiến độ sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, nhất là việc sắp xếp của các DN thuộc đối tượng thực hiện cổ phần hóa.
Năm là, sửa đổi quy định thẩm quyền quyết định xử lý nhà, đất thuộc trung ương quản lý.
Sáu là, sửa đổi, quy định rõ hơn việc xử lý chuyển tiếp, NĐ67 đã quy định rõ về nội dung đối với từng trường hợp, từng tình huống cụ thể phát sinh từ thực tế cần được xử lý cũng như thẩm quyền xem xét, quyết định xử lý chuyển tiếp để tháo gỡ kịp thời vướng mắc, trên nguyên tắc việc xử lý phải bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật, đúng thẩm quyền.
PV: Với những sửa đổi, bổ sung này, các tồn tại, vướng mắc trong xử lý tài sản công là nhà, đất thời gian qua đã thực sự được tháo gỡ chưa, thưa ông?
Ông La Văn Thịnh: Bộ Tài chính đã tổ chức khảo sát thực tế, phân tích đánh giá tình hình thực tế thực hiện, tổng hợp nghiên cứu xây dựng dự thảo trình Chính phủ xem xét, cân nhắc nhiều mặt trước khi ký ban hành. Vì vậy, tôi cho rằng các nội dung của nghị định đã cơ bản giải quyết được các những vướng mắc phát sinh trong thời gian qua, bảo đảm thúc đẩy tiến độ thực hiện việc sắp xếp lại, xử lý nhà đất, nhất là nhà, đất do các DN thuộc đối tượng thực hiện cổ phần hóa, góp phần quản lý, sử dụng nhà, đất đảm bảo chặt chẽ, tránh thất thoát tài sản công.
PV: Là cơ quan tham mưu và xây dựng nghị định, Bộ Tài chính có kỳ vọng gì vào những tác động của các quy định mới này trong việc quản lý tài sản công tới đây, thưa ông?
Ông La Văn Thịnh: Ngoài việc quy định rõ hơn về phạm vi, đối tượng áp dụng, NĐ67 còn quy định việc phân cấp, phân quyền trong triển khai thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất. Vì vậy NĐ67 sẽ là cơ sở để các cơ quan, tổ chức, đơn vị, DN triển khai thực hiện, đẩy nhanh tiến độ thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất. Đồng thời, NĐ67 cũng nâng cao trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc xem xét phê duyệt, tổ chức triển khai thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất.
Mặt khác, việc xử lý chuyển tiếp được quy định rõ, cụ thể tại nghị định cũng góp phần giải quyết vấn đề đang đặt ra trong việc thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý đã được phê duyệt trước ngày Nghị định số 167/2017/NĐ-CP có hiệu lực. Đặc biệt là các nhà, đất phê duyệt theo phương án chuyển nhượng, chuyển mục đích có nhiều dự án đang dừng hoặc chậm triển khai thực hiện do có vướng mắc phát sinh.
PV: Xin cảm ơn ông!
Quản lý chặt chẽ nhà, đất của các doanh nghiệp cổ phần do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ
Để quá trình quản lý, sử dụng nhà, đất được liên tục, đúng pháp luật, Nghị định 67/2021/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định việc xử lý chuyển tiếp đối với trường hợp nhà, đất của công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ mà trước ngày 1/1/2018 không thuộc đối tượng áp dụng Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước, nay thuộc đối tượng thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất.
Cụ thể, trường hợp đã được cơ quan, người có thẩm quyền quyết định bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất trước ngày 1/1/ 2018 theo đúng quy định của pháp luật nhưng chưa hoàn thành việc bán thì thực hiện như sau:
Trường hợp đã tổ chức đấu giá thành công thì tiếp tục thực hiện các thủ tục để hoàn thành việc mua bán tài sản theo quy định của pháp luật.
Trường hợp chưa tổ chức đấu giá hoặc tổ chức đấu giá không thành hoặc kết quả đấu giá bị hủy theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản hoặc quyết định bán của cơ quan, người có thẩm quyền đã hết hiệu lực theo quy định của pháp luật thì dùng việc bán và thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định tại nghị định này.
Trường hợp bán chỉ định (theo quyết định hoặc văn bản của cấp có thẩm quyền theo đúng quy định của pháp luật) mà người mua được tài sản đã ký hợp đồng mua bán tài sản hoặc cơ quan chức năng đã có văn bản thông báo về số tiền phải nộp (hoặc giá bán) thì người mua được tiếp tục hoàn tất các thủ tục còn lại để hoàn thành việc mua bán theo quy định của pháp luật và quy định tại khoản 5 điều này.
Trường hợp bán chỉ định nhưng chưa ký hợp đồng mua bán tài sản, chưa có văn bản thông báo về số tiền phải nộp (hoặc giá bán) của cơ quan chức năng thì dừng việc bán và thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định tại nghị định này; trừ trường hợp việc bán chỉ định đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.
Trường hợp đã được cơ quan, người có thẩm quyền cho phép thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất nhưng chưa hoàn thành việc chuyển mục đích sử dụng đất thì thực hiện như sau: Trường hợp chưa được cơ quan, người có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đầu tư theo quy định tại Nghị định số 108/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư 2005 (hoặc chưa có quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư 2014) thì thực hiện sắp xếp lại, xử lý theo quy định tại nghị định này…
Vân Hà (thực hiện)